So sánh bê tông nhựa nguội và bê tông nhựa nóng

Bê tông nhựa nóng hay bê tông nhựa nguội đều là những vật liệu được sử dụng phổ biến trong thi công xây dựng. Thế nhưng mỗi loại sẽ sở hữu mỗi tính chất và ưu điểm nổi bật khác nhau, từ đó chúng sẽ được ứng dụng vào những trường hợp riêng biệt. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để so sánh bê tông nhựa nguội và bê tông nhựa nóng nhé!

Thế nào là bê tông nhựa nóng?

Bê tông nhựa nóng là một hỗn hợp được trộn đều với tỷ lệ nhất định giữa những thành phần cốt liệu là cát, đá dăm và bột khoáng. Trong quá trình trộn, hỗn hợp này sẽ được sấy nóng và sau đó được kết hợp với nhựa đường theo thiết kế. Nhiệt độ trong quá trình trộn các hỗn hợp được khống chế trong khoảng 140 đến 160 độ C. 

Ưu điểm nổi bật

– Bê tông nhựa nóng có khả năng chịu được tải trọng động với độ chịu nén và va đập tốt.

– Khả năng chống mòn cao và hạn chế việc phát sinh bụi trong quá trình di chuyển.

– Dễ dàng thi công cũng như tạo sự bằng phẳng và cảm giác đi lại êm ái.

– Hạn chế gây ra tiếng ồn trên những mặt cầu đường có lưu lượng xe qua lại lớn.

– Dễ dàng bảo trì, linh hoạt trong việc sửa chữa, thi công trực tiếp trên lớp bề mặt lớp cũ.

– Bề mặt đường giao thông được làm bằng bê tông nhựa nóng có tính thẩm mỹ cao.

Chính vì vậy, kết cấu của mặt đường giao thông được ứng dụng bê tông nhựa nóng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Bê tông nhựa nóng đóng vai trò quan trọng trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế với những công trình tốt, bền bỉ. 

Nhược điểm

– Do bê tông nhựa nóng có màu sẫm nên sẽ gây hạn chế về tầm nhìn vào ban đêm. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được khắc phục bằng hệ thống biển báo, lan can có phản quang, vạch chỉ đường,….

– Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao thì mặt đường bằng bê tông nhựa nóng sẽ giảm cường độ. Đồng thời mặt đường hấp thụ một lượng nhiệt lớn làm tăng cảm giác nóng bức. 

– Trong điều kiện nước ứ đọng một thời gian dài cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt đường, giảm cường độ cũng như tăng nguy cơ xói mòn.

– Bề mặt đường rất dễ trơn trượt nếu ma sát kém, đặc biệt vào những ngày có thời tiết ẩm ướt.

– Trong trường hợp thi công, sửa chữa không đúng quy trình (điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa gió lâu ngày có thể làm hỏng đường). Việc này dẫn đến hậu quả là phải sửa chữa và chắp vá bề mặt thường xuyên.

Phân loại bê tông nhựa nóng

Phân loại dựa vào phương pháp sản xuất

– Bê tông nhựa nóng thường: Đây là hỗn hợp cát, đá dăm và bột khoáng được sấy khô và trộn đều với nhau một theo tỷ lệ nhất định. Sau đó, chúng được phối hợp với nhựa đường ở tỷ lệ thiết kế phù hợp và trong điều kiện nhiệt độ cao. Hỗn hợp này được sử dụng để trải thảm mặt đường giao thông.

– Bê tông nhựa nóng Polyme: Đây là sản phẩm cải tiến khi bổ sung thêm vật liệu nhựa đường Polymer. Bê tông nhựa nóng Polymer thiết kế theo tiêu chuẩn số 22TCN 256-06. Với chất lượng nổi trội hơn so với bê tông nhựa nóng thông thường, bê tông nhựa nóng Polyme được ứng dụng vào những hạng mục với yêu cầu kỹ thuật cao.

Phân loại theo kích cỡ hạt cốt liệu

Các kích cỡ hạt thường được dùng để phân loại bê tông nhựa là: 50 mm; 37.5 mm; 25.0 mm; 19.0 mm; 12.5 mm; 9.5 mm; 4.75 mm.

– Bê tông nhựa hạt thô: Là hỗn hợp có kích thước hạt là lớn nhất là 37.5mm đến 50mm.

– Bê tông nhựa nóng hạt trung: Là hỗn hợp có kích thước hạt là lớn nhất là 37.5mm đến 12.5mm.

– Bê tông nhựa nóng hạt mịn: Là hỗn hợp có kích thước hạt từ 12.5mm đến 4.75mm.

– Bê tông nhựa nóng cát mịn: Là hỗn hợp có kích thước hạt nhỏ dưới 4.75mm.

Thế nào là bê tông nhựa nguội?

Bê tông nhựa nguội được trộn ở ngay nhiệt độ thông thường. Vật liệu này thường được ứng dụng trong sửa chữa, lắp vá các ổ gà trên mặt đường. Đồng thời, chúng còn sử dụng để rải mới các lớp mặt đường đã qua sử dụng.

Thành phần cốt liệu chính của bê tông nhựa nguội gồm: Cát, đá, bột khoáng. Thay vì sử dụng nhựa đường nhiệt độ cao thì loại chất kết dính được sử dụng là nhựa đường lỏng hay nhũ tương nhiệt độ bình thường. Trong cấp phối có thể bổ sung một số chất phụ gia để tăng khả năng bám dính đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Với nhiệt độ nguội và không cần thi công rải trực tiếp lên thảm mặt đường như bê tông nhựa nóng, bê tông nhựa nguội còn được đóng bao để thuận tiện cho việc bảo quản và sử dụng. Trên thị trường, những loại sản phẩm bê tông nhựa nguội đóng bao sẵn mang đến giải pháp thi công đơn giản. Đồng thời, những sản phẩm này còn giúp tiết kiệm chi phí cho công trình so với bê tông nhựa nóng.

Ưu điểm nổi bật

– Tải trọng ổn định.

– Chống thấm nước.

– Không bị chảy nhựa.

– Ứng dụng rộng rãi trên nhiều loại nền đường.

– Dễ thi công với những vật dụng cơ bản.

– Thi công với kinh phí ít trên đoạn đường.

Nhược điểm

– Tải trọng yếu hơn so với bê tông nhựa nóng.

– Thi công diện tích lớn có thể gây tiêu tốn nhiều chi phí hơn so với bê tông nhựa nóng.

Phân loại bê tông nhựa nguội

Phân loại theo độ chặt

– Bê tông nhựa chặt: Độ rỗng dư từ 03% đến 06%, dùng làm mặt trên và mặt dưới. Trong thành phần hỗn hợp cần phải có bột khoáng.

– Bê tông nhựa rỗng: Độ rỗng dư từ 07% đến 12%, loại này chỉ dùng để làm lớp móng.

– Bê tông nhựa rỗng có thoát nước: Là loại bê tông nhựa có cấp phối cốt liệu gián đoạn. Hỗn hợp sử dụng nhựa đường cải thiện với độ rỗng dư từ 18 đến 22%.

Bài viết chia sẻ một số thông tin về bê tông nhựa để giải đáp thắc mắc so sánh bê tông nhựa nguội và bê tông nhựa nóng – Đây là 02 loại vật liệu được sử dụng phổ biến & rộng rãi tại Việt Nam.